Giảng dạy và nghiên cứu khoa học

Khoa Phát triển nông thôn (PTNT) đang đào tạo và phối hợp tổ chức đào tạo 07 ngành/chuyên ngành tại Hòa An, trong đó có 01 ngành Khoa trực tiếp quản lý đào tạo chuyên môn là Kinh doanh Nông nghiệp. Số lượng sinh viên (SV) hiện đang theo học tại Khoa PTNT khoảng 1700 SV. Số lượng tuyển sinh hàng năm các ngành học tại Khoa khoảng 450 SV.

Nghiên cứu khoa học (NCKH) tại Khoa tập trung vào những lĩnh vực khác nhau như chăn nuôi, phát triển nông thôn, Hợp tác xã và chương trình OCOP. Số lượng đề NCKH đang thực hiện trong năm 2021 – 2022 là 10 đề tài NCKH các cấp với tổng kinh phí là 5.395,6 triệu đồng.

Hoạt động tư vấn – khuyến nông là một trong những kênh chuyển giao công nghệ (CGCN), đây là thế mạnh của Khoa và cũng là hoạt động đóng góp vào sự phát triển cộng đồng, nông nghiệp nông thôn ngoài chức năng chính là đào tạo. Hoạt động tập huấn của Khoa tập trung ở các nội dung như: Xây dựng hợp tác xã (HTX) kiểu mới, Kỹ năng khuyến nông, Quy hoạch bố trí dân cư nông thôn. Tham gia tư vấn, hội thảo chuyên đề cho các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long về HTX, xây dựng nông thôn mới, xây dựng cánh đồng lớn; tư vấn xây dựng mỗi xã một sản phẩm (OCOP)...

Ngoài ra, Khoa còn tiếp tục duy trì thực hiện các hoạt động CGCN mang tính chất phục vụ cộng đồng thông qua hoạt động tín dụng nhỏ cho phụ nữ nghèo: Hỗ trợ vốn và kỹ thuật cho 17 nông hộ ở xã Hòa An,  huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang (tiếp theo của Chương trình OXFAM Anh do Trung tâm Nghiên cứu – Thực nghiệm – Đa dạng Sinh học thực hiện); Tín dụng nhỏ cho hoạt động sản xuất: Hỗ trợ vốn và kỹ thuật cho gần 160 nông hộ nghèo thực hiện các hoạt động chăn nuôi (heo, cá), trồng trọt (rau màu) và mua bán nhỏ tại các xã Hòa An, xã Tân Bình và Thị trấn Kinh Cùng,  huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang từ năm 2004 (tiếp nối Dự án CTU – MSU: “Kết hợp cải cách giáo dục với phát triển cộng đồng và bảo vệ tài nguyên môi trường thực hiện từ năm 2005 đến nay”).  Các hoạt động này sẽ là cơ sở cho định hướng của khoa trong thời gian tới: ‘Học tập thông qua phục vụ cộng đồng’, vừa nâng cao chất lượng đào tạo SV vừa phục vụ công tác phát triển cộng đồng, phát triển nông thôn.