Vào Chiều ngày 20/6/2024, tại Khu Hòa An – Trường Đại học Cần Thơ, Lãnh đạo Khoa Phát triển Nông thôn (K.PTNT) và Phòng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn huyện Phụng Hiệp đã đón tiếp Đoàn Công tác của Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (USITC) đến thăm và tìm hiểu về thực trạng – triển vọng phát triển chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo và hoạt động của các Hợp tác xã vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Đoàn công tác của USITC gồm Ông Patrick Crotty và Ông Steven Legrand – Chuyên gia Cao cấp; Ông Nguyễn Đức Lộc – Chuyên viên Nông nghiệp và Bà Calla Regier – Cán bộ Nghiên cứu thuộc Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Về phía Phòng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn huyện Phụng Hiệp có Ông Phan Thành Lâm – Phó trưởng Phòng. Về phía Khoa Phát triển Nông thôn, tiếp Đoàn Công tác của USITC có TS. Lê Thanh Sơn – Phó trưởng Khoa Phụ trách, PGS. TS. Nguyễn Duy Cần – Nguyên Trưởng Khoa, PGS. TS. Nguyễn Thiết – Phó trưởng Khoa, PGS. TS. Nguyễn Ngọc Đệ – Nguyên Phó trưởng Khoa cùng các Lãnh đạo Bộ môn, Trung tâm, Văn phòng Khoa cùng các Trợ lý chuyên trách.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Buổi làm việc
Tại buổi làm việc, phía USITC đã đặt ra các vấn đề về khó khăn – thách thức hiện nay trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo của Vùng. USITC cũng quan tâm về chuỗi giá trị của ngành hàng này trong bối cảnh sản xuất, thu nhập và lợi nhuận của các nông hộ sản xuất quy mô nhỏ. Trước tác động trên quy mô toàn cầu của biến đổi khí hậu, phía USITC cũng quan tâm đến các biện pháp thích ứng trong tổ chức sản xuất của Vùng.
PGS. TS. Nguyễn Ngọc Đệ và PGS. TS. Nguyễn Duy Cần đã lần lượt chia sẻ và thảo luận cùng các thành viên của USITC về các vấn đề đã được đặt ra. PGS. TS. Nguyễn Ngọc Đệ đã cung cấp bức tranh tổng quát về sự phát triển của nền sản xuất lúa gạo Việt Nam. Trong đó, sự phát triển của các giải pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến qua từng thời kỳ như: IPM[ND1] , 3 Giảm – 3 Tăng, 1 Phải – 5 Giảm, kỹ thuật tưới ướt – khô xem kẽ, sản xuất lúa chất lượng cao và giảm phát thải. Việc áp dụng các biện pháp canh tác thân thiện với môi trường, tối ưu hóa đầu vào trong sản xuất đã giúp người nông dân ổn định năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm. PGS. TS. Nguyễn Duy Cần trao đổi về chuỗi giá trị của ngành hàng lúa gạo cùng những thay đổi trong sự tham gia của người nông dân theo hướng ngày càng phát huy vai trò của chủ thể này. Sự phát triển càng về thực chất của các Hợp tác xã nông nghiệp hiện nay cũng đã giúp tối ưu chuỗi giá trị ngành hàng. Các Chuyên gia của Khoa Phát triển Nông thôn cũng thống nhất những thế mạnh của nền sản xuất lúa gạo của Việt Nam tập trung vào 4 lợi thế chính bao gồm: Sự phù hợp của các điều kiện canh tác như đất đai, nguồn nước và khí hậu; Kinh nghiệm sản xuất đã được tích lũy qua nhiều năm của người nông dân cùng sự sẵn lòng chấp nhận áp dụng các biện pháp canh tác mới; Các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp của Chính phủ; Sự hình thành, phát triển và hoạt động hiệu quả của hệ thống khuyến nông địa phương[ND2] . Đồng thời, trước thách thức của biến đổi khí hậu tác động lên nền sản xuất lúa gạo, các Chuyên gia cho rằng sự thay đổi bất thường của các điều kiện thời tiết, thiếu nước ngọt và xâm nhập mặn là các tác nhân chính. Để thích ứng với những điều kiện bất lợi đã nêu, các giải pháp kỹ thuật như nghiên cứu các giống thích nghi, cơ cấu lại hệ thống cây trồng, điều chỉnh lịch thời vụ sản xuất đã được thực hiện. Bên cạnh đó, giải pháp công trình như xây dựng hệ thống đê bao và cống ngăn mặn cũng được thực hiện đồng bộ nhằm ngăn chặn quá trình xâm nhập mặn vào mùa khô. Song song đó, việc xây dựng các công trình lưu trữ nước ngọt trong mùa mưa là cần thiết.
TS. Lê Thanh Sơn đã đặt ra câu hỏi cho Đoàn Công tác của USITC về thị hiếu của người tiêu dùng Mỹ về sản phẩm gạo, cũng như cơ hội nào cho Việt Nam khi muốn xuất khẩu gạo vào thị trường Mỹ. Ông Crotty và Ông Legrand đã chia sẻ: Người Mỹ không thường dùng cơm trong các bữa ăn chính của họ tại nhà mà thay vào đó họ sẽ đến các nhà hàng Châu Á với tần suất khoảng 1 đến 2 lần trong tuần. Một trong những hạn chế của gạo hiện nay là thời gian nấu chín kéo dài khoảng 30 phút. Điều này không phù hợp với thói quen nấu ăn của người Mỹ. Chính vì vậy, bên cạnh việc nâng cao chất lượng là tiên quyết thì việc nghiên cứu để tạo ra giống gạo rút ngắn thời gian nấu còn 10 đến 15 phút lại là một lợi thế. Về câu chuyện thương hiệu, người Mỹ rất quan tâm đến câu chuyện về sản phẩm và tính nhận dạng của nó. Do đó, gạo Việt Nam nên gắn liền với vùng trồng và làm nổi bật những đặc điểm của vùng trồng như văn hóa, đa dạng sinh học và sự thân thiện với môi trường trong sản xuất.
Buổi làm việc kết thúc trong cùng ngày và đã mở ra những cơ hội trong hợp tác nghiên cứu, các hoạt động tiếp theo trong tương lai của Khoa PTNT và USITC.
Tin, ảnh: TS. Lê Trần Thanh Liêm